Leo Messi: Cho đi & nhận lại

Đã có không ít những lời chỉ trích dành cho Messi vì có vẻ như anh “không tôn trọng” Celta Vigo với cách đá phạt đền kỳ khôi của của mình. Nhưng HLV Enrique không nghĩ vậy.

Lionel Messi muốn làm gì khi biến một pha ghi bàn từ chấm 11 mét thành... một đường kiến tạo cho Luis Suarez? Tri ân người đã nổi tiếng với pha phạt đền theo phong cách ấy là Johan Cruyff đang bị ung thư hay tạo điều kiện cho Suarez lập hat-trick? Có lẽ chỉ mình anh biết.

Messi cho đi một pha ghi bàn, nhưng nhận lại lòng biết ơn của người đồng đội và cảm xúc của bao khán giả

Messi cho đi một pha ghi bàn, nhưng nhận lại lòng biết ơn của người đồng đội và cảm xúc của bao khán giả

PHẠT ĐỀN “KIỂU CRUYFF”

Trên chấm phạt đền, có những cú đá đã trở thành bất tử. Bên cạnh cú “xúc thìa” đi liền tên tuổi của Panenka, chúng ta còn có quả phạt đền “kiểu Cruyff”. Trong trận đấu ngày 5/12/1982, Cruyff không sút quả 11 mét thẳng vào khung thành đối phương mà chuyền cho một đồng đội trước khi nhận đường chuyền ngược lại và ghi bàn. Trên thực tế, người nghĩ ra ý tưởng sút phạt đền độc đáo ấy không phải Cruyff mà là bộ đôi người Bỉ Rik Coppens và Andre Piters. Thế nhưng người ta vẫn gọi những quả phối hợp từ chấm 11 mét là phát minh của Cruyff.

Khi Messi tái hiện lại quả phạt đền ấy, người ta bảo anh muốn tri ân Cruyff, vị Thánh của Catalan đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hay Messi chỉ đơn giản là muốn nâng bước cho Suarez đến gần hơn với danh hiệu Pichichi. Để làm việc ấy, anh chấp nhận bỏ qua cơ hội ghi bàn thứ 300 của mình tại La Liga.

Rõ ràng, ghi bàn không còn là một điều gì đó quá thiết tha với Messi nữa. Anh cho thấy mình đã vượt qua những mong muốn tầm thường để trao vinh dự ấy cho đồng đội. Một kiểu cho đi để cảm thấy mình được nhận lại rất đáng quý. Vả lại Messi đã và sẽ là chân sút số 1 trong lịch sử Barcelona lẫn La Liga trong suốt một thời gian dài, một bàn thêm nữa với anh đâu có ý nghĩa gì khác biệt quá lớn. Tuy nhiên, danh hiệu Pichichi cho Suarez, có thể là đi kèm cả “Chiếc giày vàng châu Âu”, lại có ý nghĩa rất lớn với tiền đạo người Uruguay.


VÀ NHỮNG TRANH CÃI

Có khi quả phạt đền ấy chỉ là một giây phút nghịch ngợm nhất thời của cầu thủ hay nhất thế giới, người vẫn bị chỉ trích nhiều vì hiệu suất đá phạt đền không tốt của mình. Trong 83 quả phạt đền suốt sự nghiệp, Messi đá hỏng đến 17 lần. Nhiều chuyên gia sút phạt đền đã chỉ cho Messi cách sút, một số khác khuyên anh nên nhường trọng trách ấy lại cho Suarez hay một đồng đội nào khác. Mới trận trước thôi, Neymar cũng từng đá hỏng một quả phạt đền. 

Messi ứng xử với những lời khuyên ấy bằng cách biến quả phạt đền thành một tình huống kiến tạo. Bóng đá chẳng phải vẫn khuyến khích những cảm xúc mới lạ hay sao. Niềm vui của Messi, Suarez và các cầu thủ Barca sau bàn thắng ấy rất hồn nhiên, không có vẻ gì là họ muốn sỉ nhục đối thủ cả. Hậu vệ Jordi Alba nói: “Messi luôn sáng tạo ra những thứ mới mẻ và tình huống phạt đền này cũng thế”.

Messi cho đi một pha ghi bàn, nhưng anh nhận lại lòng biết ơn của một người đồng đội thân thiết và cảm xúc của biết bao khán giả. Hay bản thân anh đã vượt lên khỏi những ham muốn ghi bàn bình thường mà mọi cầu thủ muốn có? Rốt cục, chỉ một mình Messi biết.

VIDEO: Những cú sút penalty siêu dị trong lịch sử


Enrique và Berizzo không chỉ trích Messi
Đã có không ít những lời chỉ trích dành cho Messi vì có vẻ như anh “không tôn trọng” Celta Vigo với cách đá phạt đền kỳ khôi của của mình. Nhưng HLV Enrique không nghĩ vậy. Ông nói: “Pha bóng ấy hợp lệ, có người sẽ thích, có người không, tranh cãi là chuyện thường”. Trong khi đó, HLV Eduardo Berizzo của Celta Vigo cũng không lấy gì làm căng thẳng với tình huống này: “Họ quyết định thực hiện quả phạt đền theo một cách khác, thế thôi, không có gì đáng bàn sâu hơn”.