Thêm một lần nữa, vấn đề triệu tập các cầu thủ nhập tịch lên ĐTQG Việt Nam lại được đưa ra bàn bạc, nhưng không chắc đã được nhận định đúng hướng .
Cầu thủ nhập tịch bị loại vì thiếu khát khao?
Trong cuộc họp sáng nay giữa HLV Hữu Thắng với VFF, khi đề cập đến vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch, Phó chủ tịch thường trực VFF, Trần Quốc Tuấn nói: “Từ năm 2005 đến nay, chúng ta đã có nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp với mục tiêu chính là khi tham gia đấu trường quốc tế, đội tuyển Việt Nam thể hiện được bản sắc. Trong quá trình ấy, các HLV, các chuyên gia cũng xem xét, đánh giá để tất cả các cầu thủ một khi đã được gọi lên tuyển thì phải có sự khát khao nhất, mãnh liệt nhất bên cạnh phong độ và chuyên môn tốt. Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ cân nhắc, xem xét để HLV trưởng ĐTQG có thể chọn lựa những gương mặt khát khao cống hiến”. Như vậy, vấn đề nổi cộm mà VFF nhận định về các cầu thủ nhập tịch đến nay vẫn là liệu họ có khát khao cống hiến cho ĐTQG Việt Nam hay không? Và điều ấy được coi trọng hơn cả vấn đề chất lượng chuyên môn? Thành tích, sự hiện diện vững chắc ở V-League là minh chứng rõ nhất cho trình độ, chuyên môn của các cầu thủ nhập tịch. Còn cái gọi là khát khao, đạo đức của họ lại đang bị nhìn nhận theo hướng 1 chiều, thiếu khách quan. Nhìn vào một trường hợp gần đây mới thấy điều này chưa thực sự hợp lý. Đấy là khi Anh Đức chủ động không lên tuyển vì vấn đề cá nhân. Khi đấy, một bộ phận thì tiếc nuối Anh Đức, người vẫn chơi hay ở cấp CLB, người lại “bới lông tìm vết”, phân tích xem vì sao Anh Đức không lên tuyển và đa phần lỗi không phải ở cầu thủ này. Khi Công Vinh nói thẳng vào vấn đề Anh Đức không khát khao lên tuyển thì HLV cũng chẳng cần triệu tập, CV9 lại bị chỉ trích dữ dội. Vậy tại sao cùng là cầu thủ, chuyện Anh Đức và chuyện các cầu thủ nhập tích lại bị nhìn nhận không đồng nhất? Hay vì góc nhìn chủ quan của VFF? Thực tế là từ trước đến nay, vẫn có độ vênh rất lớn giữa tác phong, nề nếp và văn hóa ở trong nước, với các cầu thủ ngoại. Gần đây, cầu thủ Marko Simic bất ngờ khi phải rời B. Bình Dương. Cá nhân ngoại binh này rất ngạc nhiên, anh cho rằng mình thi đấu không tồi ở nửa sau V-League 2015. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn loại cầu thủ này trong mùa giải mới, mà nguyên nhân được cho là vì lối sống của Simic. Marko Simic có thiếu động lực khi tập luyện và thi đấu cho B. Bình Dương không? Câu trả lời là không. Nhưng anh lại dính tới showbiz Việt khá nhiều và đấy là điều các ông chủ không thích. Lee Nguyễn từng được kì vọng nhiều nhưng sau đó chơi chưa thật sự xuất sắc ở V-League. Ngược về trước đây rất lâu, Lee Nguyễn cũng bị chê trách là đổ đốn tại HAGL rồi sau đó là cả B. Bình Dương rồi phải rời đi, về Mỹ thi đấu. Người ta cho rằng Lee Nguyễn quá mải mê với giới showbiz Việt và không thật sự tập trung tập luyện, chơi bóng. Nhưng ít ai để ý đến vấn đề về mặt chuyên môn là Lee Nguyễn đã bị Kiatisak “đì” công khai ở HAGL, rồi sau đó chuyện anh có thể ức chế tâm lý, thi đấu sa sút tại các CLB khác ở Việt Nam cũng là điều không quá khó hiểu. Gần đây, khi Lee Nguyễn thi đấu thành công ở giải Nhà nghề Mỹ, thậm chí nhiều lần được gọi vào ĐTQG Mỹ thi đấu, người ta mới lật ngược lại vấn đề, đi tìm câu trả lời cho phong độ của ngôi sao này. Nhiều người cho rằng Lee Nguyễn đã thay đổi cách sống và nhờ thế đạt được sự thăng hoa trên sân cỏ. Nhưng nhìn vào một Lee Nguyễn mới đây trở về Việt Nam du lịch, điều ấy chưa chắc đúng. Những ngày tháng qua, Lee Nguyễn vẫn có những cô bạn gái mới, với tần suất khá dày. Anh vẫn rất sành điệu trong cách ăn mặc, tóc tai... Lee Nguyễn có vẻ vấn là chính mình, và anh vẫn thăng hoa. Vậy thì tại sao cầu thủ này lại bị cho là “có vấn đề” ở Việt Nam. Đơn giản là văn hóa ở Việt Nam khác với lối sống của những ngoại binh, cầu thủ nhập tịch hay Việt kiều. Lối sống phóng khoáng từ nước ngoài đôi khi bị cho là lố lắng, vô kỉ luật tại Việt Nam. Nhưng cũng xin thưa rằng, với lối sống ấy, chính các cầu thủ nước ngoài lại thể hiện sự chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với chúng ta. Họ không uống bia, rượu hay hút thuốc mỗi dịp nghỉ lễ, tết, điều mà phần lớn cầu thủ Việt lại vẫn làm. Cris Ronaldo là cầu thủ được cho rằng chuyên nghiệp bậc nhất thế giới. Nhưng nếu ở Việt Nam, có lẽ anh đã bị đuổi từ lâu vì cứ dính đến hết cô này tới cô khác trên... mạng xã hội và mặt báo. Thậm chí anh có thể bị sa thải ngay lập tức khi đôi ba lần lên phi cơ riêng, bay sang Ma rốc du hý mỗi lần thi đấu xong cho Real. Nhưng CLB Hoàng gia TBN vẫn đặt niềm tin vào CR7 và họ có một Ronaldo “gánh team” trước Barca hay trước Wolfsburg... Mới đây, khi đặt câu hỏi với HLV Lê Thụy Hải về ngoại binh, ông chia sẻ vấn đề giao tiếp hay nề nếp sinh hoạt của họ không phải điều quan trọng nhất. Nếu là cầu thủ có chuyên môn tốt thì sẽ đóng góp được nhiều nhất trên sân cỏ. Các ngoại binh đang được đánh giá cao về mặt chuyên môn ở cấp CLB, vì tại đây, họ vốn dĩ luôn là những “ông hoàng”. Nhưng trên ĐTQG, trong mắt VFF và BHL, cầu thủ nhập tịch có vị trí kém hơn cầu thủ nội. Họ luôn bị đánh giá về các vấn đề bên lề nhiều hơn là khả năng trên sân cỏ. Trong khi đó, tiêu chuẩn để đánh giá họ ngoài sân có lại chỉ là cái nhìn một chiều, theo văn hóa của nước chủ nhà. Nếu tư duy này không được cởi mở hơn, thông thoáng hơn, thì có lẽ còn lâu Hữu Thắng mới được sử dụng những cầu thủ nhập tịch đầy chất lượng như Hoàng Vũ Samson của Hà Nội T&T. |