Sự thật là đang có những người không muốn nhìn thấy Leicester vô địch mùa giải này. Tuy nhiên, tất cả đã phá sản bởi đội bóng của Ranieri chiến đấu bằng “máu, trái tim và linh hồn"
Kể từ sau Giáng sinh, Leicester đã không bao giờ ngoái nhìn lại phía sau. Họ chậm rãi di chuyển từng bước một về phía đặt chiếc Cúp Premier League. Khi khả năng họ đăng quang ngày một lớn, một số người bắt đầu tỏ ra sợ hãi. Một chiến dịch chống lại đội quân của Ranieri được phát động. Âm mưu thiên vị Leicester? Những người phản đối lập luận rằng, Leicester được lợi quá nhiều từ trọng tài. Cho đến trước trận gặp West Ham, 10 lần các cầu thủ The Foxes đứng ở chấm phạt đền. Con số này nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào khác và gấp đôi đội xếp sau.
Chưa hết, họ viện dẫn những tình huống khác mà Vardy cùng các đồng đội được ưu ái. Ví dụ ở trận gặp Southampton mới đây, hai lần các cầu thủ Leicester để bóng chạm tay (Simpson và Huth) nhưng đều không bị thổi phạt. Nếu nghiêm khắc, đó sẽ là 2 quả penaty và ít nhất một thẻ đỏ. Những lời chỉ trích ném về Leicester nhanh chóng phát triển thành cái gọi là thuyết âm mưu, cáo buộc đội bóng này đang được thiên vị để trở thành hiện tượng thể thao hấp dẫn nhất thế giới. Biên tập Rory Smith của The Times cho rằng “các trọng tài bị ảnh hưởng bởi câu chuyện của Leicester” và “không muốn từ chối một chiến thắng dành cho họ”. Điều này đã có tác dụng tức thì. Hiệp hội trọng tài chuyên nghiệp Anh (PGMO) quyết định đổi trọng tài chính Kevin Friend điều khiển trận Tottenham gặp Stoke với lý do ông này là CĐV của The Foxes. Mùa giải này, Friend đã bắt chính trong 3 chiến thắng của Arsenal và 2 chiến thắng của Tottenham, hai đối thủ cạnh tranh của Leicester. Đó có phải biểu hiện thiên vị?
Chúng ta cũng có Anthony Taylor, người sống không quá 2 dặm từ Old Trafford, bắt 2 trận mùa này của MU và vòng trước, Michael Oliver - CĐV trung thành của Newcatle lại được chỉ định bắt trận Crystal Palace - Norwich, hai đội xếp ngay phía trên Chích chòe. Tất cả những điều này có công bằng với Leicester? Những chiến binh quả cảm Quay trở lại với việc The Foxes đã nhận được 10 quả phạt đền và sau trận gặp West Ham đã nâng lên thành 11, nhưng nếu xem lại cách thức Andy Carroll phạm lỗi với Jeffrey Schlupp phút 90+4, nó hoàn toàn xác đáng. Trong khi đó, họ hoàn toàn có quyền khiếu nại về một quả penalty khác khi Ogbonna vật Huth xuống trong vòng cấm địa phút 90. Nên nhớ rằng trước lúc ấy 6 phút, Leicester lại bị thổi phạt trong tình huống tương tự, thậm chí không rõ ràng bằng. Về chiếc thẻ đỏ của Vardy, có thể Jon Moss đã đúng với pha chủ động cài chân Ogbonna trước khi ngã của tiền đạo 29 tuổi, song thẻ vàng trước đó lại quá khắc nghiệt. Có vẻ như trọng tài này đang cố đóng vai “ác” trong vở kịch và sau đó, trở nên mất kiểm soát với các quyết định của mình. Ông đơn giản là có một trận đấu tồi. Tuy nhiên, mọi thứ đã chứng minh tại sao câu chuyện diệu kỳ về Leicester lại có sức sống mãnh liệt đến vậy. Như Ranieri nói một cách đầy tự hào, các học trò của ông chiến đấu bằng “máu, trái tim và linh hồn”.
Trong phần đầu, họ cho thấy năng lực vượt trội với tốc độ và dứt điểm nhạy bén của Vardy, nhãn quan và kỹ thuật đáng kinh ngạc của Mahrez, cùng năng lượng sung mãn của Kante. Ở phần còn lại, khi mất người và bị dẫn trước, thay vì gục ngã, họ bùng nổ trở lại và không bao giờ thôi hy vọng. Đó là những chiến binh quả cảm, những người đại diện cho tầng lớp thấp dám thách thức các thế lực hùng mạnh và đang đi xuyên qua những âm mưu hắc ám, biến chúng thành trò cười. Không có chiến dịch nào vận động để Leicester lên ngôi như những lời cáo buộc. Họ đang di chuyển về phía trước bằng đôi chân dũng cảm. Và trong một câu chuyện về những anh hùng, thật khó tránh những lời dèm pha. Trận hòa West Ham đã khiến chuỗi chiến thắng liên tiếp của Leicester dừng lại ở con số 5. Đây không chỉ là mạch thắng dài nhất trong mùa giải này mà còn dài nhất trong lịch sử tham dự Premier League của đội bóng vùng East Midlands. Hiện The Foxes đang có khoảng cách 8 điểm nhiều hơn Tottenham, đội sẽ chơi trận muộn nhất vòng 34 vào rạng sáng ngày 19/04 trên sân của Stoke.
|